Đằng sau thương hiệu văn phòng phẩm KOKUYO
Đằng sau thương hiệu văn phòng phẩm hàng đầu Nhật Bản này là câu chuyện lay động lòng người về cuộc đời của ông Zentaro Kudora - người sáng lập KOKUYO trong 67 năm miệt mài hoàn thành lời tâm niệm khi rời xa quê hương. Phương châm kinh doanh của ông kể từ khi khởi nghiệp: “Nhất định phải giúp ích cho người sử dụng” vẫn luôn nâng đỡ công ty trong suốt 110 năm qua.
Người sáng lập một công ty có bề dày lịch sử sắp tròn 110 năm với phương châm kinh doanh vẫn được đời sau tâm niệm và áp dụng đến tận ngày nay, ông là ai?
Sớm trở thành trụ cột gia đình
Ông sinh năm 1879 tại Nagaemashi, thành phố Toyama. Gia đình Kuroda có 7 đời liên tiếp là thương gia, thân phụ của ông là người sản xuất là loại diêm kiểu phương Tây đầu tiên ở Hokuriku. Sau khi thân phụ đột ngột qua đời, gia sản tiêu tan, Zentaro - khi ấy vừa tròn 13 tuổi trở thành người gánh vác trọng trách gia đình. Ông bắt đầu học việc tại tiệm buôn, sau đó tách ra làm lái buôn. Đến năm 1898, quyết tâm khôi phục lại gia sản, ông giao hết việc kinh doanh cho người thân, rời bỏ quê hương để lên Osaka lập nghiệp trong sự cổ vũ và cả những lời chia tay bịn rịn của người thân, bạn bè.

Chân dung nhà sáng lập KOKUYO - Zentaro Kuroda
Mối lương duyên với GIẤY
Zentaro bắt đầu có duyên với “giấy” khi học việc tại “Cửa hiệu giấy bìa Kobayashi”. Với những kỹ thuật về sản xuất các sản phẩm giấy học hỏi được tại đây, ông đã lập nên cơ nghiệp đầu tiên của mình với “Cửa hiệu giấy bìa Kuroda” năm 26 tuổi. Công việc làm giấy bìa thời bấy giờ được xem là “Những việc cặn cáu không ai thèm làm” nhưng với tinh thần dù là chuyện nhỏ vẫn làm hết mình và khả năng nắm bắt nhanh nhạy xu thế thời đại cùng xu hướng của người tiêu dùng, ngoài sản xuất giấy bìa, ông còn cho ra đời sổ kiểu Nhật dành cho viết lông và viết máy với chất lượng tuyệt hảo, được nhiều người đánh giá cao và tạo nên một cuộc cách mạng lúc bấy giờ.
Khả năng kinh doanh nhạy bén
Tình hình kinh doanh thuận lợi, quy mô nhà máy ngày một lớn dần lên, và đến năm 1912, ông chuyển cửa hàng đếnShinmachi, quận Nishi. Tại đây, ông bắt đầu sản xuất sổ kế toán kiểu phương Tây, tạo nền tảng cho KOKUYO hiện nay. Sau đó, ông đổi tên cửa hiệu thành “Kuroda Kokkodo”, có nghĩa là “Ánh sáng cho quê hương” - lời tâm niệm ông mang theo suốt bên mình từ khi xa xứ.

Sổ kế toán kiểu phương Tây của Kuroda Kokkodo vào đầu thời kỳ Showa
Sang năm 1917, ông quyết định chọn “KOKUYO - , tức “Quốc dự” để làm thương hiệu những sản phẩm của mình. Ông đặt tên này để tự nhắc nhở bản thân không được quên đi tâm niệm ban đầu khi ông được bạn bè và người thân tiễn biệt rời xa quê nhà vào năm 19 tuổi. Sau khi Đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ, nguồn cung cấp giấy từ Anh không còn ổn định, ông quyết định bắt tay với nhà sản xuất giấy lớn nhất thời bất giờ - Oji với sản phẩm đầu tiên là loai giấy sổ kế toán mới dành cho viết mực và viết bi. Năm 1932, ông tung ra sản phẩm giấy viết thư có kèm tranh vẽ chèn vào sau tờ giấy bìa và gặt hái được thành công lớn lao, đến mức sau này có câu: “Nói đến giấy viết thư là nói đến KOKUYO, mà nói đến KOKUYO là nói đến giấy viết thư”.
Giấy viết thư có kèm tranh vẽ của KOKUYO
Người bạn hàng chân thành
Sau khi chiến trang kết thúc, nhiều doanh nghiệp sản xuất phải bắt đầu lại từ con số 0. Để cùng những bạn hàng vượt qua khó khăn này, ông quyết định ngưng sản xuất sổ kế toán kiểu Nhật, nhường việc sản xuất sản phẩm này cho những công ty khác, tập trung ưu tiên vào các khách hàng thân thiết bằng cách ngừng thanh toán bằng tiền mặt mà chuyển qua hối phiếu, sau đó dùng ngân sách công ty để bù vào những khoản lỗ. Đây là điều mà không một doanh nghiệp nào từng làm. Tuy nhiên một lần nữa, chính sách kinh doanh với tinh thần “Làm những việc cặn cáu không ai thèm làm” này của Zentaro đã mang lại thành quả là sự tin cậy lớn lao. Đến năm 1950, số lượng đại lý kinh doanh sản phẩm của KOKUYO tăng lên đáng kể.

Ảnh chụp cửa hàng Itoshoten năm 1948,
2 năm sau cửa hàng trở thành đại lý chính hãng đầu tiên của KOKUYO.
67 năm hoàn thành “Quốc dự”
Năm 1961, ông được bầu là Công dân danh dự của thành phố quê hương ông - Toyama. Đến năm 1965, lúc này Zentaro đã 86 tuổi, ông đã được trao tặng Huân chương từ chính phủ vì những công lao sáng lập và phát triển ngành sản phẩm giấy tại Nhật Bản. Trải qua 67 năm đau đáu với lời quyết tâm khi xưa, cuối cùng ông cũng đã hoàn thành “Quốc dự” của mình.
Về sau, quy mô kinh doanh công ty ngày càng được mở rộng, sản phảm ngày càng đa dạng, nhưng phương châm, niềm tin và tinh thần của KOKUYO chưa bao giờ thay đổi: “Đặt mình vào vị trí người sử dụng”, “Nhất định phải giúp ích cho khách hàng” và tất nhiên là “Làm những việc cặn cáu không ai thèm làm”.
Sau 110 năm xây dựng và phát triển, KOKUYO đã trở thành thương hiệu hàng đầu về các sản phẩm văn phòng phẩm và nội thất văn phòng tại Nhật Bản và hơn 30 công ty chi nhánh trên toàn thế giới như: Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, ….và Việt Nam.
Những câu chuyện cảm động
- Lí do Zentaro chèn tranh vẽ vào sau tờ giấy bìa là vì ông hi vọng mọi người có thể dễ dàng thưởng thức những bức họa mà thường chỉ có một số nhà sưu tập mới sở hữu độc quyền, từ đó giúp tâm hồn thêm phong phú.
- Trong vòng 10 năm kể từ khi bắt tay với doanh nghiệp Oji để cho ra một loại giấy mới dùng làm sổ kế toán, Zentaro đã phải thu mua rất nhiều mẫu giấy thử nghiệm bị lỗi của công ty này. Tuy nhiên, Zentaro đã dùng chúng để làm giấy hối phiếu, hóa đơn, tuy không kiếm được lời nhưng quyết tâm không để lãng phí dù chỉ 1 tờ.
- Zentaro rất quý trọng nhân viên của mình. Sau khi ngừng sản xuất sổ kế toán kiểu Nhật, ông cho làm sạch hồ dán dính trên vải dùng làm gáy và phát cho nhân viên của mình làm quần áo để mặc.
(Bài Lê Mai. Ảnh Kokuyo/kilala.vn)